ViewSonic VP2756-4K có phải một sự lựa chọn hợp lý cho người dùng thiết kế, sáng tạo chuyên nghiệp hay không?
Hoang Dinh
Th 5 30/11/2023
Một chiếc màn hình dành cho người dùng thiết kế đồ họa, người dùng sáng tạo chuyên nghiệp sẽ rất khác so với một chiếc màn hình phục vụ nhu cầu văn phòng thông thường, hay một chiếc màn hình dành cho gaming. Có thể cả ba nhu cầu này đều cần một độ bao phủ màu rộng, độ sáng cao, độ tương phản cao, nói chung là một chiếc màn hình phải đẹp. Nhưng, người dùng thiết kế đồ họa cần nhiều hơn như thế.
Đây có thể nói là yếu tố tiên quyết để người dùng sáng tạo nội dung, người dùng thiết kế quan tâm hàng đầu. Tạm khoan bỏ qua ngoại hình, thiết kế hay các tính năng màu mè đi kèm, một chiếc màn hình đẹp và độ chính xác màu sắc cao là thứ quan trọng nhất.
Theo mình thấy, những yếu tố trong màu sắc mà người dùng sáng tạo cần quan tâm và chú ý đó là độ sai lệch màu sắc Delta E, độ rộng của các gam màu, độ sáng, độ tương phản, gamma,...Đó là những thứ quan trọng của một chiếc màn hình đồ họa và các nhà sản xuất cũng rất chú ý đến việc này.
Đầu tiên với độ sai lệch màu sắc Delta E, chỉ số xác định độ sai lệch giữa hai màu sắc trên màn hình để đánh giá mức độ tối ưu màu sắc trên màn hình đó so với màu gốc. Sẽ có nhiều chỉ số delta E khác nhau và để chính xác thì các bạn thiết kế thường lựa chọn những chiếc màn hình có chỉ số delta E càng thấp càng tốt, thường là ở mức dưới 2. Vì vậy càng về 0 thì độ chính xác càng cao và sự sai lệch với màu gốc càng thấp.
Với ViewSonic VP2756-4K thì kết quả mà mình kiểm tra được bằng công cụ SpyderX Elite thì chỉ số Delta E của nó chỉ là 0.74, tức ở mức dưới 1 và kết quả này cho thấy màu sắc hiển thị trên nó rất gần với màu gốc ngoài thực tế. Tuy nhiên việc đo lường của mình chỉ mang tính chất tham khảo và mang tính khách quan mà thôi, thực tế là ViewSonic đã cân sẵn màu sắc của chiếc màn hình này từ nhà máy và được chứng nhận bởi Pantone, thậm chí khi anh em mua máy trong hộp cũng sẽ có giấy chứng nhận có cả chữ kí của CEO ViewSonic.
Sở dĩ Delta E quan trọng với những công việc liên quan đến màu sắc là vì những dự án mà các designer đang làm có thể liên quan rất nhiều đến sự nghiệp của họ, vì vậy màu sắc chính xác để khi sản xuất ra những sản phẩm cuối cùng, sự hài lòng của khách hàng chính là thước đo cho sự thành công của các designer, hay các nhà làm sáng tạo.
VP2756-4K đạt chứng nhận màu sắc của Pantone, vì thế sẽ rất phù hợp nếu anh em đang làm những công việc liên quan đến các thang màu sắc của Pantone. Mình đã từng giới thiệu với anh em về một bộ sưu tập các thang màu sắc của Pantone và riêng bộ đó đã có mức giá lên đến gần 20 triệu. Ở trong đó sẽ có rất nhiều thang màu như CMYK, Formula Guide, Metallics, Neon & Pastel...
Tiếp theo về độ phổ rộng của các gam màu, chiếc màn hình này có các thông số màu sắc mà mình đã kiểm tra qua, kết quả anh em có thể thấy ở dưới đây. Những gam màu phổ biến như sRGB, Adobe RGB hay DCI-P3 đều ở mức khá tốt, gần đạt mức 100%, kết hợp với độ sáng, độ tương phản, gamma, tổng thể sẽ tạo nên một chiếc màn hình có chất lượng hiển thị tốt, vừa đủ để anh em có thể sáng tạo, sản xuất những nội dung, sản phẩm mà anh em đam mê.
Điểm mình thích trên chiếc màn hình này là nó có cổng USB-C, bao gồm trình xuất hình ảnh DisplayPort và PD 60W sẽ giúp anh em chỉ cần một sợi cáp USB-C duy nhất để vừa có thể sạc cho máy tính, vừa có thể xuất hình ảnh với độ phân giải tối đa 4K@60fps.
Với mình cổng USB-C trên màn hình là rất quan trọng, thứ nhất nó sẽ giúp mình tối ưu hóa những luồng dây cáp sẽ được kết nối vào máy, thay vì một sợi dây cáp nguồn cấp điện cho máy tính, một sợi cáp HDMI hay DisplayPort thì một sợi USB-C 2 trong 1 sẽ giải quyết tất cả.
Bàn làm việc của chúng ta lúc này vừa gọn gàng hơn, sạch đẹp hơn và chúng ta có thể bày trí thêm cho góc làm việc của mình, vừa đẹp, vừa gọn.
Ngoài cổng USB-C, chiếc màn hình này cũng có đầy đủ từ DisplayPort, HDMI, jack 3.5mm cho đến cả cổng USB-A để kết nối các thiết bị ngoại vi khác, nhiều lựa chọn cho người dùng.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những thiết lập, cài đặt trong menu OSD mà nhà sản xuất cung cấp cho người dùng và chiếc màn hình này cũng tương tự như vậy.
Bên trong menu OSD của ViewSonic VP2756-4K cho người dùng rất nhiều tùy chọn về màu sắc, chúng ta có thể điều chỉnh gần như là mọi thông số về màu sắc của màn hình này, từ độ sáng, tương phản, gamma, độ bão hòa màu, cân bằng trắng theo độ K....Để người dùng có được những tùy chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Ngoài ra, ViewSonic cũng có người dùng rất nhiều profile màu sắc khác nhau, được cài sẵn bên trong và mỗi profile sẽ tương thích với một công việc, nhu cầu làm việc cụ thể khác nhau, tùy vào công việc đặc thù để lựa chọn. Đây là điểm mình đánh giá cao trên VP2756-4K, người dùng sáng tạo rất cần cái này.
Ví dụ như chế độ CAD/CAM mode sẽ giúp người dùng làm những công việc liên quan đến CAD sẽ có được độ tương phản cao hơn, để làm nổi bật các đường nét và chi tiết của 3D và các hình minh họa kỹ thuật khác. Mô hình hóa và kết xuất dễ dàng hơn nhiều, bất kể phần mềm bạn sử dụng là gì. Chế độ Portrait mode đạt được độ sắc nét chi tiết, hình ảnh được tối ưu, hoàn hảo cho công việc xử lý hậu kỳ. Hay chế độ Lanscape mode là công cụ hữu ích để hiển thị những khoảnh khắc được ghi lại trong mọi chuyến phiêu lưu.
Đây là một chiếc màn hình tương thích với mọi hệ điều hành khác nhau nhưng có một tính năng theo ViewSonic dành riêng cho người dùng Mac, đó là Ultra-Clear mode. Với Ultra-Clear mode sẽ giúp tăng độ sáng, tăng độ tương phản để người dùng Mac có một trải nghiệm giải trí và làm việc tốt hơn.
Ngoài các presset màu thì ViewSonic cũng có một phần mềm vDisplay Manager sẽ giúp mở rộng thêm khả năng làm việc của chúng ta qua tính năng Split screen, chia cửa sổ để làm việc với những tác vụ khác nhau, tăng khả năng đa nhiệm.
Những chiếc màn hình của ViewSonic, dù là dòng đồ họa VP hay dòng dành cho văn phòng thông thường đều có một kiểu ngôn ngữ thiết kế chung và chiếc màn hình này cũng không ngoại lệ.
Màn hình của ViewSonic sẽ không có được sự bóng bẩy, hào nhoáng như những chiếc màn hình khác, nhưng nó mang một nét đặc trưng của riêng ViewSonic, một sự đơn giản, không nhiều chi tiết cầu kì để người dùng tập trung vào trải nghiệm làm việc.
Sở dĩ gọi nó có một thiết kế công thái học là vì nó có thể xoay và điều chỉnh ở nhiều tư thế khác nhau, từ nâng hạ độ cao, xoay trục trái/phải, xoay dọc 90 độ cho đến độ ngẩng của màn hình, tất cả đều có thể điều chỉnh để phù hợp với mọi đối tượng người dùng, mọi nhu cầu sử dụng khác nhau.
Hơn nữa, khi người dùng xoay dọc màn hình 90 độ thì menu OSD cũng sẽ tự động xoay theo, ViewSonic gọi tính năng này là Auto Pivot OSD, chúng ta sẽ không mất thời gian để làm việc này một cách thủ công.
Vậy rốt cuộc ViewSonic VP2756-4K có phải một sự lựa chọn hợp lý cho người dùng thiết kế, sáng tạo chuyên nghiệp hay không? Với những trải nghiệm cá nhân của mình vài ngày qua, điểm mình yêu thích nhất và mình cũng tin rằng sẽ nhiều anh em designer yêu thích, đó là chất lượng hiển thị của chiếc màn hình này.
Quả thật chất lượng hiển thị là điểm mạnh nhất trên VP756-4K, với những gì mà nó thể hiện thì chúng ta có thể yên tâm để thiết kế và sản xuất những nội dung mà không lo lắng quá nhiều về màu sắc, độ sáng, độ tương phản liệu có chính xác hay chưa, đặc biệt về độ sai lệch màu delta E còn nhỏ hơn 1 là minh chứng cho điều đó.
Kế đến là việc chiếc màn hình này hỗ trợ nhiều profile màu sắc khác nhau, cho từng công việc cụ thể khác nhau, giúp ích nhiều cho người dùng không cần phải lựa chọn hay hiệu chỉnh một cách thủ công. Chỉ chừng đó thôi thì chiếc màn hình này quá xứng đáng với số tiền khoảng 13 triệu đồng mà chúng ta bỏ ra.